Bayern đã đăng quang Champions League 2012/13 một cách vô cùng ấn tượng sau 12 năm uất hận trong thất bại. 12 năm quả là dài với “Hùm xám xứ Bavaria” nhưng họ đã từng phải chịu đựng quãng thời gian còn đau khổ và đằng đẵng hơn nhiều.
Đó là hàng chục năm trước, trong và thậm chí là cả sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tất cả đều chỉ bởi họ đã dám đứng lên chống lại tên trùm Phát xít ghê tởm nhất mọi thời đại: Adolf Hitler.
CÂU CHUYỆN VỀ MAGDALENA
Tháng 3/1940, khi Thế chiến thứ II đã trở nên thực sự khốc liệt, thống chế Hermann Goerings (nhân vật được coi là số 2 sau Hitler) ra một sắc lệnh mang tên Metallspende. Theo sắc lệnh này thì mọi cá nhân và tổ chức trên khắp nước Đức phải có nghĩa vụ đóng góp kim loại để phục vụ ngành công nghiệp chiến tranh.
Nhưng cũng có những người phớt lờ. Và có cả những người âm thầm chống đối. Một trong số đó là Magdalena Heidkamp – vợ của thủ quân CLB Bayern, Konrad Heidkamp. Bản thân Bayern khi ấy chưa phải là “thế lực” đáng sợ như bây giờ. Nhưng ít ra, đội bóng cũng đã gặt hái một số danh hiệu. Chẳng hạn, họ đã lên ngôi vô địch Đức vào năm 1932.
Khi sắc lệnh đóng góp kim loại được đẩy mạnh, mọi chiếc cúp dù là danh giá nhất trong môn bóng đá cũng chỉ trở thành một thứ đồ vật thông dụng nếu chúng không phục vụ cỗ máy chiến tranh của Hitler. Tuy nhiên, Bayern đã tránh được nguy cơ ấy nhờ 1 lý do đặc biệt: những tấm huy chương hoặc cúp của đội đều đã thất lạc.
Sau khi chiến tranh kết thúc, người ta mới… té ngửa, khi thấy Magdalena Heidkamp đến một trang trại ở gần trụ sở Bayern và… đào lên những thứ bà đã lén chôn trong chiến tranh. Bayern – Goering (hay Hitler): 1-0. Câu chuyện Magdalena bí mật bảo vệ truyền thống của Bayern giờ đã được viết lại và trưng bày một cách trang trọng ở bảo tàng Bayern Munich, ngay tại sân Allianz Arena hiện đại.
BIỂU TƯỢNG CHỐNG LẠI HITLER Ở VÙNG BAVARIA
Truyền thống chống chủ nghĩa Phát xít ngay tại nước Đức của Bayern Munich không chỉ gồm mỗi câu chuyện về bà Magdalena. Xưa nay, Bayern luôn thừa nhận: mối quan hệ với người Do Thái là một phần trong lịch sử CLB. Khi lần đầu tiên lên ngôi vô địch Đức, Bayern có chủ tịch Kurt Landauer, HLV trưởng và một vài cầu thủ trong đội là người Do Thái. Các thành viên người Do Thái trong hàng ngũ Bayern nếu không bị bắt bớ thì cũng nhanh chóng di tản ra nước ngoài.
Một thời, người ta xem Bayern là biểu tượng chống lại Hitler ở vùng Bavaria vì những chi tiết như vậy. Và không phải ngẫu nhiên mà Bayern trở thành CLB có nhiều CĐV nhất nước Đức (cho dù đội này chỉ thật sự trở nên mạnh mẽ kể từ thập niên 1970, tức hơn 70 năm sau khi thành lập).
Bayern bị đày xuống đẳng cấp thấp (trong hệ thống giải cũ của bóng đá Đức trước Đệ nhị thế chiến). Có những thời điểm, họ bị cấm chuyên nghiệp hóa, theo nghĩa mọi thành viên của CLB đều phải chứng minh được tư cách nghiệp dư hoàn toàn.
Đấy là lý do vì sao tuyệt đại đa số các danh hiệu của CLB này trong suốt mấy thập niên đầu (Bayern được thành lập vào năm 1900) đều là những ngôi vô địch “vùng, miền”. Mãi đến sau khi chiến tranh kết thúc, Bayern vẫn phải chịu đựng thân phận hẩm hiu. Đại diện Munich được mời vào Bundesliga khi giải đấu này được hình thành ở mùa bóng 1963/64 là TSV Munich 1860, chứ không phải Bayern.
LẦN BẼ MẶT CỦA TÊN TRÙM PHÁT XÍT
Có một điều hết sức rõ ràng: cho dù Hitler có phải là cổ động viên Schalke hay không, có gián tiếp vùi dập Bayern trong các thập niên 1930-1940 hay không, hắn vẫn luôn thừa nhận tầm quan trọng của mối liên quan bóng đá – chính trị, và muốn dùng bóng đá để cổ súy cho Đức Quốc xã.
Mặt khác, bộ trưởng tuyên truyền của Hitler, Joseph Goebbels, từng tuyên bố: “Chiến thắng trong môn bóng đá dĩ nhiên là điều quan trọng. Thắng một trận đấu trên sân cỏ dễ hơn chiếm một thành phố ở phía Đông”. Suy cho cùng, bản thân Hitler thấy rõ đồng minh Mussolini ở Italia đã lợi dụng chiến thắng trong môn bóng đá một cách thành công như thế nào. Ở Tây Ban Nha, nhà độc tài Franco cũng luôn dùng bóng đá như một công cụ ngoại giao và chính trị đầy hiệu quả. Trớ trêu thay, Hitler lại chẳng hiểu gì về bóng đá.
Học hỏi Mussolini, Hitler và các bộ trưởng Đức đến SVĐ Olympic ở Berlin vào ngày 7/8/1936 để “gây thanh thế cho nước Đức”, khi đội chủ nhà Đức gặp Na Uy trong một trận knock-out thuộc đấu trường Olympic. Chủng tộc Reich sẽ tỏ rõ sự ưu việt bằng một chiến thắng thuyết phục trên sân cỏ? Đương nhiên phải là như thế.
Hitler hẳn không hiểu rằng bóng đá hấp dẫn ở chỗ mọi kết quả đều có thể xảy ra trong môn thể thao tuyệt vời này. Na Uy xuất sắc chiến thắng 2-0. Hitler hầm hầm rời sân trước khi trận đấu kết thúc. Và đấy là lần cuối cùng người ta thấy hắn xuất hiện trong một trận bóng đá.
Khoan nói bất ngờ có thể xảy ra trong môn bóng đá. Ngay cả những sự thật đã xảy ra rồi, vẫn có thể đảo ngược những sự thật ấy. “Cái lưỡi” Goebbels của Hitler từng có một câu bất hủ, đại khái là nếu bạn nói ra một điều gì đó hoàn toàn sai trái và lặp lại đến một ngàn lần thì điều ấy cũng sẽ trở thành sự thật!
Vài ngày sau cú bẽ mặt tại sân Olympic, Hitler ra một chỉ thị tuyệt đối: làm gì thì làm, dứt khoát nước Đức phải đoạt chức vô địch World Cup tại sân nhà, giống như Italia đã vô địch World Cup 1934 (và sẽ vô địch lần nữa vào năm 1938, tại Pháp).
Ngày 13/8/1936, Hitler ký giấy và Đức nộp đơn xin đăng cai VCK World Cup 1942. FIFA chấp nhận, dù trước đó đã hứa sẽ tổ chức VCK World Cup 1942 tại Brazil. Nhưng đến năm 1939 thì Đệ nhị thế chiến bùng nổ, khiến World Cup ngưng trệ. Và Hitler phải tự kết thúc cuộc đời của hắn khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945.
(Còn tiếp)