Mới nhất, Công Phượng đã hợp tác với Yokohama FC để mở chuỗi phân phối các sản phẩm gia dụng cũng như thương hiệu cà phê mang tên mình. Điều đó càng khiến cho Công Phượng đã giàu lại càng thu nhập “khủng” hơn.
Công Phượng kiếm bao nhiêu tiền từ đá bóng?
Tại Yokohama FC hiện tại, lương của Công Phượng rơi vào mức 5 tỉ đồng/mùa. Con số này còn thuộc diện thấp, bởi các cầu thủ chủ chốt của Yokohama nhận từ 5-10 tỉ đồng/năm. Thực tế, ở tuổi 27-28, Công Phượng không quá bận tâm vào chuyện thu nhập từ đá bóng. Bởi vốn dĩ trước đó, riêng mức lương khi làm cầu thủ của Công Phượng đã giúp cầu thủ Nghệ An có một cuộc sống đủ đầy.
Trước đó, khi bắt đầu xuất ngoại với chơi cho Mito Hollyhock, Công Phượng nhận lương 3.000 USD/tháng (67 triệu đồng). Ở lần xuất ngoại thứ 2 với việc khoác áo Incheon United của Hàn Quốc, Công Phượng nhận khoảng 10.000 USD/tháng (khoảng 230 triệu đồng lúc bấy giờ).
Sau đó, khi còn thi đấu tại Bỉ, Công Phượng được cho là kiếm về khoảng 20.000 euro/tháng (gần 500 triệu đồng/tháng). Khi được TP.HCM mượn, nhiều nguồn tin nói rằng cầu thủ này nhận được khoảng 120 triệu đồng/tháng. Lương của Công Phượng ở HAGL không được tiết lộ, nhưng có thể rơi vào 40 triệu đồng/tháng.
Cũng nhờ việc là một cầu thủ thuộc diện đáng chú ý nhất Việt Nam trong khoảng 10 năm qua, Công Phượng có thêm nguồn thu lớn từ việc đóng vai trò quảng cáo cho các thương hiệu nổi tiếng, từ hàng không, dầu gội đầu, đồng hồ, nước khoáng, thời trang…
Công Phượng kinh doanh như thế nào?
Không chỉ có bóng đá, Công Phượng còn mát tay với nghề kinh doanh. Anh đã sở hữu một thương hiệu thời trang chuyên về những thiết kế áo phông năng động trẻ trung. Cầu thủ người Nghệ An còn chung vốn cùng đồng đội cũ là Trần Hữu Đông Triều mở một quán bánh tráng thịt heo. Tháng 7/2019, anh thành lập công ty mang tên Công ty TNHH Thương mại Tiếp thị Thể thao PM, chuyên hoạt động trong mảng quảng cáo và hoạt động thể thao.
Đam mê của Công Phượng ngoài bóng đá chính là cà phê. Từ năm 2017, Phượng đã từng bước “lấn sân” kinh doanh chuỗi cà phê, với quán CP10 tại Gia Lai. 1 năm sau, anh mở chi nhánh thứ 2 ở Hà Nội (hiện tại đã bán hết cổ phần quán này). Sau đó, anh lại tham gia vào kinh doanh quán cà phê Ông Bầu, nhượng quyền từ chuỗi thương hiệu của Bầu Đức.
Mới đây, Công Phượng đã hợp tác với Yokohama FC để mở chuỗi phân phối các sản phẩm gia dụng bao gồm: cốc nước, tạp dề, thùng đựng đồ, lót cốc cà phê. Các sản phẩm đều in hình hoa sen – quốc hoa của Việt Nam. Đặc biệt, Công Phượng cũng kinh doanh mặt hàng liên quan đến cà phê. Những sản phẩm này được dán nhãn thương hiệu của chính tiền đạo này.
“Công Phượng rất yêu thích cà phê và cũng là một barista có trình độ. Trong đợt tập trung mùa giải 2024, Công Phượng đã trở thành chủ đề nóng khi tự tay phục vụ cà phê cho đồng đội. Lần này, Công Phượng sẽ tiếp tục mang đến những sản phẩm mới mẻ cho người hâm mộ”, trang chủ Yokohama FC viết.
Gia tài “khủng” nhà Công Phượng
Theo Cafebiz, vợ chồng Công Phượng – Viên Minh sở hữu một căn hộ hạng sang tại Landmark 81, TP.HCM có giá không dưới chục tỷ đồng. Trước đó, anh cũng đã gửi tiền về để hỗ trợ xây dựng lại căn nhà cho bố mẹ ở quê nhà Nghệ An.
Công Phượng sở hữu chiếc Ducati Hypermotard 939 SP có giá lên tới 500 triệu đồng. Anh cũng thường xuyên xuất hiện với một số phụ kiện đắt giá. Công Phượng cũng không tiếc tiền để mua những bộ trang sức đắt tiền cho người vợ của mình. Theo tiết lộ, anh đã mua một cặp nhẫn, vòng đeo tay đôi có tổng giá trị lên tới 412 triệu đồng để sử dụng trong đám hỏi.