Ngày 18/7/1936, đảo chính nổ ra, khai mào cho cuộc nội chiến 1936-1939 tại Tây Ban Nha. Đến ngày 1/10 năm ấy, phe đảo chính tuyên bố công nhận tướng Francisco Franco là nhà lãnh đạo. Cuộc nội chiến đưa Tây Ban Nha vào sự chia rẽ sâu sắc về cảm xúc và lòng người.
Đấy cũng chính là cội rễ của mối thù nổi tiếng nhất trong thế giới bóng đá: sự kình địch giữa Barcelona và Real Madrid trong làng bóng đá TBN. Sự thù nghịch càng tăng cao sau khi nội chiến kết thúc với chiến thắng thuộc về nhà độc tài Franco.
NHỮNG NẠN NHÂN ĐẦU TIÊN
Không lâu sau khi nội chiến bùng nổ, đã xuất hiện nạn nhân nổi tiếng đầu tiên thuộc giới bóng đá: Josep Samitier, một ngôi sao sân cỏ trong giai đoạn 1920-1930 ở TBN. Vì sao Samitier bị phe chống Franco bắt giữ tại Catalonya mãi mãi là một bí ẩn.
Suy cho cùng, ông chính là một trong những cầu thủ huyền thoại của Barcelona. Sau 454 trận đấu với 333 bàn thắng dưới màu áo Barca, Samitier mới chuyển sang khoác áo Real Madrid, thi đấu vỏn vẹn 8 trận với 4 bàn thắng trong suốt 2 năm (1932-1934).
Người ta chỉ biết, El Sami chưa bao giờ cổ súy “tinh thần Catalan” như sự mong đợi của giới hâm mộ Barca. Ngược lại, ông luôn đến Madrid trong những kỳ nghỉ. Franco chính là một trong những cổ động viên nổi tiếng nhất của El Sami. Bấy nhiêu đã là quá đủ, khi lòng căm hận của đám đông bị kích thích. Sau này, Samitier được thả và phải sang Pháp tị nạn. Tại đấy, ông gặp một huyền thoại khác của bóng đá TBN: Ricardo Zamora.
Giống như Samitier, Zamora cũng từng khoác áo Barca trước khi chuyển sang Real và trở thành một ngôi sao được Franco ngưỡng mộ. Trong những ngày đầu của cuộc nội chiến, phe “Quốc gia” của Franco đưa tin: tài năng bóng đá Zamora đã bị phe “Cộng hòa” (mà Barcelona chính là thành lũy số 1) hành quyết.
Trong bối cảnh “tranh tối, tranh sáng”, thông tin này có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với người dân khắp TBN. Kỳ thực, Zamora vẫn sống, nhưng ông quả đã bị quân đội “Cộng hòa” bắt giam cùng các chính khách cánh hữu tức là thuộc phe Franco như Ramon Suner, Rafael Mazas.
Một cách chính thức, Zamora cũng trở thành tù binh chiến tranh như Samitier, và rút cuộc cũng phải sang Pháp tị nạn. Tại Pháp, Zamora và Samitier hội tụ ở CLB Nice. Sau này, Zamora trở về TBN dẫn dắt ĐTQG trong chế độ Franco.
Tóm lại, các nhân vật bóng đá có liên quan đến hai CLB Barca và Real liên tục trở thành mục tiêu của đối phương trong cuộc nội chiến đẫm máu ở TBN. Đỉnh điểm là cái chết của Josep Sunyol – một luật sư, nhà báo, chính khách, và đáng nói nhất là một trong các chủ tịch nổi tiếng của Barcelona.
Ông sáng lập tờ báo cánh tả La Rambla. Ngày 8/6/1936, bất chấp sự ngăn cản của nhiều đồng nghiệp, Sunyol vẫn xem một vùng đồi núi ở thị trấn Guadarrama là nơi an toàn mà ông có thể tự mình lái xe trên đường đi làm. Ngay trạm kiểm soát đầu tiên của giới quân sự, chủ tịch Sunyol của CLB Barcelona đã bị một toán quân Falange, trung thành với Franco, bắt giữ.
Người của Barca mà rơi vào tay quân đội thuộc “phe Quốc gia” thì đương nhiên khó thoát. Điều đáng nói ở đây: ngay khi biết rõ tù binh của mình chính là chủ tịch CLB Barca, nhóm chiến binh Falange lập tức hành quyết kẻ thù. Sunyol bị công khai bắn bỏ ngay trong ngày đầu tiên bị bắt giữ.
CHÀ ĐẠP BÓNG ĐÁ ĐỂ BẺ GÃY Ý CHÍ PHẢN KHÁNG
Với một bối cảnh như vậy, không khó hình dung thân phận Barca là như thế nào khi cuộc nội chiến kết thúc ở TBN với chiến thắng thuộc về Franco, bắt đầu một chế độ độc tài kéo dài đến giữa thập niên 1970. Thật ra, bóng đá chỉ là một công cụ của Franco, và ông ta nghĩ rằng khi tạo ra một cuộc sống bóng đá sôi động tại SVĐ Las Corts (sân nhà của Barcelona – sân Nou Camp chỉ xuất hiện vào năm 1957) thì người dân xứ Catalan sẽ ham vui mà quên đi tinh thần phản kháng.
Nhà độc tài đâu có ngờ rằng, khi những cuộc bắt bớ diễn ra nhan nhản trên đường phố thì sân bóng lại trở thành nơi mà người ta dễ thể hiện sự chống đối nhất. Các khẩu hiệu cổ súy tinh thần Catalan hoặc kêu gọi ly khai dồn cả vào sân Las Corts. Thái độ chống đối lại càng rộ lên mạnh mẽ mỗi khi nó được đan xen với những bàn thắng làm nức lòng người của Barca.
Muốn tận diệt phong trào ly khai, trước tiên cứ phải chà đạp Barca. Thế là, lại xuất hiện một đỉnh điểm nữa về lòng thù hận giữa hai đội bóng khổng lồ Real Madrid, Barcelona, khi họ gặp nhau ở vòng bán kết giải VĐQG TBN năm 1943. Đấy cũng là giai đoạn mà giải VĐQG TBN được đặt tên là Generalissimo’s Cup – để tôn vinh Franco.
Barca ghi được 3 bàn trong trận lượt đi tại sân nhà Las Corts. Khi ấy, nhà báo Eduardo Teus đã có một bài tường thuật đi vào lịch sử vì… tính độc hại của nó. Teus là cựu thủ môn Real Madrid, sau này là HLV trưởng đội tuyển TBN. Ông ta viết trên tờ Ya (phát hành tại Madrid): “Cầu thủ Barca chỉ là những kẻ chém đinh chặt sắt trong khi khán giả Catalan đến sân chỉ để sỉ nhục cầu thủ Real, vốn là những niềm tự hào của cả đất nước TBN. Barca thắng tại sân nhà là nhờ trọng tài bênh vực”.
Các tờ báo khác tại Madrid dùng lại câu chữ trên tờ Ya của Teus. Trước khi Barca đá trận lượt về tại Madrid, họ đã bị Teus “kết án”, và phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với sự căm phẫn tại thủ đô TBN.
Không khó hình dung, Real đương nhiên thắng lại ở trận lượt về. Nhưng đâu là tỷ số cụ thể? 11-1! Cầu thủ Barcelona liên tiếp gục ngã và phải rời sân trên cáng. Bầu không khí thù hằn không chỉ sục sôi trên các khán đài hoặc dưới sân cỏ. Từ lực lượng an ninh đến các nhân viên của ban tổ chức trận đấu, tất cả đều muốn ăn tươi nuốt sống các thành viên Barca.
Angel Mur, một nhân viên xoa bóp của Barcelona kể lại cảnh tượng hãi hùng của trận bán kết lượt về Real – Barca ở giải VĐQG TBN năm 1943 như sau: Chúng tôi đều có cảm nghĩ, sống sót trở về là đã thành công. Một gã bảo vệ trong trang phục quân đội luôn hét lớn mỗi khi Barcelona có bóng: “Hãy giết chúng đi, giết chết đàn chó Catalan đi”! Chịu không thấu, tôi bước ra phản đối. Gã an ninh lập tức quát lớn: “Mày nghĩ mày là ai hả, thằng ly khai chó đẻ? Và bây giờ thì hãy nghe đây, mày đã bị bắt”! Trên trang báo của mình số ra hôm sau, cây bút Teus tha hồ bay bổng với những lời khen mỹ miều dành cho “chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử Real Madrid”. Ông ta tâng bốc từng cầu thủ một, mô tả vẻ đẹp của từng bàn thắng mà Real ghi được. Sự việc lố bịch đến nỗi ngay cả “phe Franco” cũng cảm thấy như thế là điều không ổn. Ký giả Juan Antonio Samaranch bình luận: “Không nên như thế. Nếu như Barca thi đấu tồi tệ, sự việc đã khác. Đằng này, rõ ràng họ không thi đấu, hoặc không được phép thi đấu. Chiến thắng của Real sẽ đẹp hơn nếu như hai đội trên sân thật sự thi đấu”. Juan Antonio Samaranch? Vâng, đấy chính là chủ tịch IOC sau này. Ông ta sinh tại xứ Catalonya, nhưng gia đình ông lại hậu thuẫn Franco trong thời gian nội chiến, và dĩ nhiên là có mối quan hệ thắm thiết với Franco sau khi nội chiến kết thúc… |
(Còn tiếp)