HLV Kim Sang Sik giỏi ‘nhân trị’ hơn chiến thuật

Trong sự nghiệp huấn luyện của mình, HLV Kim Sang Sik chưa cho thấy nhiều điểm mạnh về chiến thuật, nhưng lại rất được lòng các cầu thủ. Đây là nền tảng để ông gặt hái được không ít thành công.

Không dễ để đánh giá về năng lực của ông Kim Sang Sik qua quãng thời gian ông làm HLV của Jeonbuk. Cũng dễ hiểu thôi, những khó khăn gần đây của Jeonbuk khiến người ta phải nhìn nhận lại những ngày tháng cuối cùng của ông Kim trong tư cách HLV của đội bóng này. Nhưng nói thẳng ra là thực tế không tệ như người ta nói.

HLV Kim Sang Sik tiếp quản đội bóng sau nhiều năm học việc dưới thời hai HLV trước đó của Jeonbuk, và có lẽ lãnh đạo đội bóng đã nghĩ rằng ông ấy chính là gạch nối phù hợp nhất. Thực tế là ông ấy đã giành chức vô địch K-League trong mùa giải đầu tiên, và vô địch FA Cup (Hàn Quốc) cũng như vào tới bán kết Champions League châu Á trong mùa giải thứ hai.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là ông Kim lại được nhớ tới với tư cách là người đã khiến Jeonbuk đánh mất vị thế thống trị ở K-League sau thất bại vào năm 2022. Và sau những kết quả đáng thất vọng, cũng như những màn trình diễn thiếu thuyết phục khiến các CĐV phản đối vào đầu năm 2023, HLV Kim Sang Sik cuối cùng đã chọn cách ra đi.

Về phong cách huấn luyện, HLV Kim Sang Sik gây nhiều ấn tượng hơn ở khả năng “nhân trị” – quản trị con người hơn là sự nổi bật về chiến thuật. Lối chơi của đội Jeonbuk dưới thời ông Kim không được phóng khoáng cho lắm. Ông Kim đề cao sự an toàn, cho nên ông biến đội bóng vốn mang phong cách nặng về kiểm soát của HLV tiền nhiệm là Jose Morais trở nên khô khan, thiếu sự đột biến.

Tuy nhiên, nhờ được lòng các cầu thủ, những lúc cần thiết HLV Kim Sang Sik luôn hiệu triệu được các trụ cột thể hiện được hết năng lực của họ.

Về mặt sơ đồ, trong thời gian ở Jeonbuk, ông Kim chủ yếu áp dụng sơ đồ 4-2-3-1 từng được người tiền nhiệm Morais sử dụng thường xuyên trước đó. Ưu tiên vẫn là kiểm soát bóng, nhưng lối chơi của Jeonbuk của ông Kim thường bị chỉ trích là thiếu tính giải trí và ở một chừng mực nào đó là không hiệu quả. Tất cả chỉ thay đổi vào cuối năm 2022 khi ông Kim chuyển sang phong cách phòng ngự-phản công trực diện hơn để tận dụng tốc độ của các cầu thủ chạy cánh.

Với đội tuyển Việt Nam, chuẩn bị cho trận đấu đầu tiên của HLV Kim Sang Sik gặp Phillippines vào 6/6 tới đây, có thể ông Kim sẽ tiếp tục áp dụng lại sơ đồ 4-2-3-1 quen thuộc. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng sau một thời gian nghỉ ngơi tương đối dài, ông ấy đã có thể tự rút ra được những bài học, đồng thời nâng cao trình độ của bản thân, thế nên đây là vấn đề không hề dễ đoán.

Sẽ là lý tưởng nếu ông Kim nghiên cứu đủ sâu về chất lượng và phong cách của các cầu thủ mà ông có ở Việt Nam để từ đó đưa ra những điều chỉnh thích hợp. Thực ra ông Kim không phải là mẫu HLV quá cứng nhắc (như nhiều HLV Hàn Quốc khác). Giai đoạn cuối ở Jeonbuk, sau khi các CĐV bắt đầu bày tỏ sự phản đối, ông ấy đã có nhiều thay đổi và giúp cho CLB có được một cú bứt tốc ngoạn mục. Rất tiếc là thế vẫn chưa đủ để bắt kịp Ulsan.

Khi một HLV người Hàn Quốc làm việc ở Việt Nam, tất nhiên là sẽ xuất hiện sự so sánh với HLV Park Hang Seo. Tôi tin rằng ông Kim đã có nhiều cuộc nói chuyện với ông Park trước khi nhận lời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Ông Park là một nhân vật được kính trọng và có nhiều kiến thức về đội tuyển Việt Nam, nên khi ông ấy nói thì người kế nhiệm chắc chắn sẽ nghe. Tôi cũng cho rằng ông Kim sẽ cố gắng đi theo con đường của ông Park, đó là kết nối thật sâu với các cầu thủ.

Nhưng dù thế nào thì để thành công được với đội tuyển Việt Nam, HLV Kim Sang Sik cần nhận được sự ủng hộ từ các CĐV. Ông ấy sẽ cần thời gian để hiểu và đánh giá được trình độ của những cầu thủ mà ông ấy có. Ông Kim cũng cần phải lắng nghe các thành viên khác trong ban huấn luyện, đặc biệt là những người hiểu rõ các cầu thủ hơn ông ấy, ít nhất là ở thời điểm này.

Mục nhập này đã được đăng trong ĐTQG. Đánh dấu trang permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *