Sau khi George Best qua đời, báo chí vẫn đều đặn phát hiện thêm những người đẹp “mới” mà ông từng cặp kè lúc sinh thời, nhưng trước đây không ai biết, còn bản thân ông cũng không thể nhớ.
NIỀM AO ƯỚC CỦA PHỤ NỮ THẬP NIÊN 1960 – 1980
Những bức ảnh mới, lần đầu công bố. Những câu chuyện giật gân thuộc loại “bây giờ mới kể”. Những bí mật mới được “bật mí”… Cứ thế, thi thoảng lại xuất hiện “sự kiện mới” trong hơn 7 năm kể từ khi George Best qua đời (2005). Càng không thể thiếu những chuyện như vậy trên mặt báo vào các ngày 25/11 hoặc 3/12 hàng năm (ngày sinh của Best và ngày ông qua đời).
Từ khi còn là một cầu thủ trẻ của M.U, mới 16 tuổi, Best tỏ rõ khả năng thu hút phụ nữ, chinh phục một cô gái trẻ làm việc ở lò bánh mì địa phương. Thế rồi, người ta thống nhất một cách tuyệt đối: chắc chắn đã có đến hàng ngàn người đẹp từng lên giường với Best.
Tài năng tuyệt luân trên sân cỏ, thôi thì miễn bàn. Nhưng Best còn có vẻ ngoài điển trai, phong thái của một siêu sao nhạc pop, và một “ma lực” mà phụ nữ trong các thập niên 1960 – 1980 rất khó cưỡng lại.
Như đã nói ở phần trước, Best là “celebrity” đầu tiên trong thế giới bóng đá. Ông quảng cáo cho mọi sản phẩm, từ nước trái cây đến… đồ lót phụ nữ. Tin, bài về Best xuất hiện không chỉ trên trang bóng đá hoặc trang thể thao, mà còn ở các mục thời trang, điện ảnh, tin thời sự.
Trên hết, cuộc sống tình cảm của Best vừa phong lưu, vừa lãng mạn, mà trong đó không ai có thể chỉ ra bất cứ chỗ nào thiếu chân thật hoặc mang tính vụ lợi. Dù là Hoa hậu Thế giới, thôn nữ, hay một sinh viên không được biết đến, Best đều cư xử như nhau: luôn hết lòng, nồng cháy, và tất nhiên là chẳng bao giờ Best toan tính đến “ngày mai” của những cuộc tình như vậy. Phụ nữ có hoặc chưa có chồng đều ao ước được “ở” với Best – ít ra là trong mộng!
BẢN HỢP ĐỒNG 500 BẢNG
Tất nhiên, trong số hàng ngàn phụ nữ từng liên quan đến Best, có những cái tên nổi tiếng hơn những cái tên khác. Họ, và những câu chuyện của họ, khác nhau chỗ nào, thì thật ra Best không bao giờ xem trọng. Với ông, những người đẹp… đều đẹp, thế thôi!
Có lần, Best và MU sang Đan Mạch tập huấn trước mùa bóng mới. Ông tỏ ra choáng ngợp trước một cô tóc vàng, đã có hôn phu, tình cờ gặp ở quán bar. Về nước, Best kể lại ấn tượng về người đẹp ấy với một phóng viên. Phóng viên nọ đăng luôn quảng cáo trên báo chí Đan Mạch để tìm cách liên hệ với người đẹp tóc vàng.
Rút cuộc, người đẹp ấy không chỉ đồng ý cho nhà báo gặp gỡ, mà còn sang Anh tìm Best để chung sống. Cuộc tình chỉ diễn ra ngắn ngủi. Người đẹp có tên là Eva Haraldsted ấy rút cuộc đã tố cáo Best “không tôn trọng hợp đồng”, thắng kiện 500 bảng, và trở về Đan Mạch.
Họ thỏa thuận với nhau những gì, đến nỗi Best phải thua kiện, chuốc lấy tội danh “không tôn trọng hợp đồng” và phải bồi thường thiệt hại? Ông không nhớ. Với ông, tình yêu, kể cả loại “yêu qua đường”, không phải là những cú áp phe mà người ta phải thỏa thuận với nhau về các điều khoản. Ừ thì nộp phạt!
HOA HẬU THÌ CŨNG THẾ THÔI
Marjorie Wallace có lẽ là cái tên nổi tiếng nhất trong số những người đẹp từng liên quan đến cuộc đời Best. Và kỷ niệm của Best với Wallace rút cuộc cũng kết thúc nhanh chóng, chủ yếu vì với Best thì không bao giờ có những cuộc tình vụ lợi.
Năm 1973, Wallace đi vào lịch sử với tư cách Hoa hậu Mỹ đầu tiên đăng quang ở giải Hoa hậu Thế giới. 1 năm sau, Wallace sang Manchester du lịch. Tất nhiên một Hoa hậu thì không bao giờ chỉ có mục đích du lịch khi đi du lịch.
Phái đoàn của Marjorie Wallace liên hệ các nơi xem Manchester có những điểm đến hấp dẫn nào, và người ta hỏi Best. Ông đáp tỉnh bơ: “Thực lòng mà nói, tôi thấy Manchester chẳng có chỗ nào đáng để giải trí”. Khác biệt chỉ là ở chỗ, có nơi ra vào tự do, có nơi độc quyền, có nơi chỉ tiếp khách có thẻ thành viên, hoặc có nơi thường được những người nổi tiếng ghé qua.
Best giới thiệu một vài CLB mà ông và bạn bè hay lui tới. Người đại diện của Wallace chọn một địa điểm, rồi cho biết thêm: “Nơi nào được Hoa hậu Wallace ghé chơi dù chỉ vài phút đều phải trả tiền. Đấy là vấn đề kinh doanh thuần túy. Giá thông lệ là 150 bảng”.
Best cười xòa: “Thế ư? Tôi thì chỉ biết, người ta phải trả tiền khi đến chơi ở CLB của tôi. Nhưng vì đây là Hoa hậu, cô ta sẽ là khách mời của tôi và không phải trả tiền. Tôi thành thật, và chính thức, có lời mời. Đến hay không là việc của Hoa hậu ấy”.
Khi người đại diện của Marjorie Wallace còn đang mải mê phân tích tình huống để khẳng định việc “chủ nhà phải trả tiền cho Hoa hậu”, thì Best đã cúp máy từ lâu. Sau này, ông kể: “Tôi đâu có thiếu 150 bảng. Tôi sẵn sàng trả một số tiền như thế chỉ để thoát khỏi những ống kính đầy soi mói của cánh nhà báo, để cùng bạn bè tận hưởng những cuộc vui riêng tư. Nhưng tôi không trả tiền để được làm quen với nhân vật nổi tiếng nào”.
Cần nhớ: đấy là lúc George Best đã chia tay M.U và những năm tháng ngự trị bóng đá đỉnh cao của ông đã trôi qua từ lâu. Rút cuộc, Marjorie Wallace cũng chấp nhận đến thăm CLB “của Best và bạn bè” một cách miễn phí. Và chỉ trong thoáng chốc, Hoa hậu Mỹ kiêm Hoa hậu Thế giới đã trúng tiếng sét ái tình của “ngôi sao bóng đá hết thời” George Best. Wallace để lại số điện thoại trong địa chỉ tiếp theo của cô, tại London. Và cuộc tình Best – Wallace bắt đầu.
Ở thời điểm ấy, Best là cầu thủ tự do, không chịu bất cứ ràng buộc nào nên ông đi đâu tùy ý. Không như phái đoàn tùy tùng của Hoa hậu, luôn có lịch trình và kế hoạch chặt chẽ trong mọi chuyện, Best làm Wallace ngạc nhiên khi họ gặp nhau ở London, bởi chi tiết Best chỉ có mỗi chiếc va-ly nhỏ, đi một mình, và không hề biết trước ông sẽ ở khách sạn nào.
Thế rồi, khi đã thật sự thân thiết, Wallace lại càng ngạc nhiên khi Best không hề phủ nhận bất kỳ mối quan hệ nào với những người đẹp mà ông từng quen, nổi tiếng hoặc không nổi tiếng. Best không quá xem trọng việc ông cặp được với người đẹp nào, khác hẳn việc Wallace luôn chăm chú theo dõi xem báo chí viết gì về mối quan hệ giữa mình với các ngôi sao thời ấy: ca sỹ Tom Jones, tay đua mô tô Peter Revson hoặc ngôi sao quần vợt Jimmy Connors…
(Còn nữa)