Khi Pep Guardiola như một ‘vị thánh sống’

pep1.jpg

Pep Guardiola xuất chúng thì ai cũng biết. Nhưng cái xuất chúng ấy không chỉ gói gọn trong phạm vi của cá nhân Pep, mà nó đã vươn tầm trở thành một hệ tư tưởng có ảnh hưởng to lớn đến những người khác – điều có lẽ chưa HLV nào làm được.

Trong sự nghiệp cầm quân, bất kỳ HLV nào cũng đều khao khát được dẫn dắt các đội bóng hàng đầu. Dĩ nhiên, điều này chẳng bao giờ đơn giản bởi nó đòi hỏi HLV phải trình độ chuyên môn rất cao, được chứng thực bằng các danh hiệu, hoặc ít nhất là cho thấy sự triển vọng trong triết lý huấn luyện cũng như lối chơi tân tiến, phù hợp với thời đại.

Nói khó thì rất khó song bảo dễ thì cũng rất dễ. Thời nay, một HLV chỉ cần ở dạng tiềm năng nhưng kèm thêm một điều kiện là từng làm trợ lý cho Pep Guardiola hoặc đại loại một thứ gì đó có liên quan đến chiến lược gia này, kiểu như từng là học trò của Pep hay thậm chí đàm đạo về bóng đá với ông, sự nghiệp của họ khả năng cao sẽ có bước ngoặt lớn, với điểm đến là các CLB tên tuổi.

Mikel Arteta từng là trợ lý của Pep trước khi được Arsenal bổ nhiệm làm HLV trưởng năm 2021. Xavi là một trong những học trò xuất sắc của Pep thời hai người còn làm việc cùng nhau tại Barca, và ông đã trải qua 3 mùa giải dẫn dắt CLB cũ trước khi bị sa thải cách đây không lâu. Xabi Alonso cũng từng là học trò của Pep ở Bayern, để rồi giờ đây trở thành một trong những HLV được săn đón nhất châu Âu.

Erik ten Hag trước thời điểm được MU “chọn mặt gửi vàng” được mệnh danh là “Mini Pep”. Nhà cầm quân người Hà Lan không hẳn là trợ lý của Guardiola, nhưng ông đã có quãng thời gian trò chuyện, chia sẻ những kinh nghiệm, ý tưởng về chiến thuật lúc còn đảm nhận cương vị HLV trưởng đội trẻ Bayern. Thời điểm ấy, Pep đang cầm quân ở đội một Hùm xám nên cả hai thường xuyên gặp nhau đàm đạo.

Vincent Kompany đã có nhiều năm được Pep chỉ dẫn khi còn khoác áo Man City. Mới nhất, cựu trung vệ này đã bất ngờ “một bước lên tiên”, được gã khổng lồ Bayern bổ nhiệm làm HLV trưởng. Trước đó, Kompany chỉ có ít kinh nghiệm dẫn dắt Anderlecht và Burnley. Thậm chí, ở mùa 2023/24, HLV 38 tuổi người Bỉ đã cùng Burnley rớt hạng Premier League với vỏn vẹn 5 chiến thắng sau 38 vòng đấu.

Cách đây ít hôm, Chelsea đã bổ nhiệm Enzo Maresca – một cái tên còn rất xa lạ – làm HLV trưởng mới của CLB kế nhiệm Mauricio Pochettino. Bên cạnh việc Maresca đã xuất sắc giúp Leicester thăng hạng lên Premier League 2024/25, còn một yếu tố đặc biệt quan trọng khác: HLV người Italia từng làm trợ lý của Pep tại Man City. Nếu Maresca không có mối liên hệ gì với Guardiola mà đơn thuần chỉ cùng Leicester thăng hạng, ông gần như chắc chắn sẽ không được Chelsea lựa chọn.

Nhà cựu vô địch Premier League, tiền vệ Andy King – người hiện khoác Bristol ở Championship – nói với PA: “Tôi đã thi đấu với Leicester hai lần mùa này, và cách sắp xếp của họ giống hệt Pep. Việc có được các thông tin, kiến thức cũng như học hỏi hàng ngày từ một người như Pep thì tại sao bạn lại không tận dụng. Tôi chắc chắn Maresca đã bổ sung những thứ của riêng mình, nhưng được tiếp cận trực tiếp với Pep và xem cách ông ấy làm việc là điều quan trọng. Điều đó rất rõ ràng trong cách ông ấy sắp xếp đội hình và cách thi đấu của Leicester”.

Ba ngày trước, cựu danh thủ Robbie Fowler của Liverpool đã đổ lỗi cho Guardiola, cho rằng chính ông là tác nhân khiến Pochettino bị Chelsea sa thải. Fowler nêu quan điểm: “Khi một CLB đã nâng tiêu chuẩn lên đến mức phá vỡ rào cản 90 điểm là yêu cầu tối thiểu để vô địch Premier League, thì ba trận thua liên tiếp sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng lớn. Nếu chủ sở hữu của Chelsea thấy đội bóng của họ nhanh chóng trở thành một dấu chấm mờ nhạt trên gương chiếu hậu của Man City, sự cám dỗ để thực hiện một sự thay đổi là hiển nhiên”.

Chelsea không có được Pep thì “thôi ta tậu trợ lý của ông”, giống như những gì Arsenal đã làm với Arteta.

Hay như trường hợp của Kompany, liệu Bayern có bổ nhiệm HLV trẻ tuổi này nếu thiếu yếu tố Pep Guardiola? Hùm xám chắc chắn không điên đến mức đó. Họ tin vào những gì Kompany đã đúc rút và học hỏi từ Guardiola, từ cách tư duy, lối chơi cho đến phong cách chiến thuật. Thậm chí, chuyên gia tin chuyển nhượng Fabrizio Romano còn hé lộ Bayern đã hỏi ý kiến của Pep về trường hợp của Kompany. Điều đó càng cho thấy tầm ảnh hưởng của chiến lược gia người Tây Ban Nha khủng khiếp cỡ nào.

Có thể nói, các CLB lớn đang có một niềm tin mãnh liệt vào những con người từng làm việc với Pep, khiến họ trở nên có giá hơn rất nhiều so với những đồng nghiệp khác. Tuy nhiên, có một lưu ý quan trọng mà đôi khi chúng ta có thể bỏ quên: những người có vinh dự được làm việc với Pep hoặc đơn giản là đàm đạo về bóng đá cùng ông vốn đã sở hữu một cái đầu “đầy sỏi”. Guardiola sẽ không tuyển mộ những người kém về làm trợ lý cho mình. Họ chắc chắn phải có gì đó đặc biệt.

Và khi những người vốn đã thông minh, tài năng được lĩnh hội những kiến thức, tư duy và triết lý từ khối óc vĩ đại của Guardiola, việc họ thăng tiến cũng chẳng có gì khó hiểu. Xabi Alonso chắc chắn là ví dụ điển hình, khi chiến lược gia người Tây Ban Nha đã và đang tạo ra những điều kỳ diệu tại Leverkusen, để rồi được hàng loạt CLB đình đám tại châu Âu sẵn sàng trải thảm đỏ săn đón. Bayern và Chelsea rõ ràng cũng đang rất kỳ vọng ở Kompany và Maresca – những người từng là thân tín của Guardiola.

Nhắc đến lối chơi mà các đội bóng theo đuổi, chẳng HLV nào không muốn học theo Pep, không nhiều thì ít. Những gì mà nhà cầm quân 53 tuổi thể hiện ở Barca, Bayern và đặc biệt là Man City hiện tại đã trở thành kim chỉ nam, là một thứ gì đó mà ngay đến tiền cũng không mua nổi. Có một thực tế rằng chúng ta gần như không thấy các trợ lý của Jurgen Klopp hay Carlo Ancelotti – hai HLV rất xuất sắc khác – được săn đón mà chỉ có “hàng” từ Guardiola. Rõ ràng, Pep đã trở thành một hệ tư tưởng, một “vị thánh sống” khiến tất cả phải quay cuồng chạy theo bằng mọi cách.

Đó là gì? Chính là sự khác biệt và vĩ đại của Pep Guardiola.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *