Guenter Netzer và Uli Hoeness từng có mối duyên nợ rất đặc biệt trong làng bóng đá Đức. Đến mức nhiều người còn tự hỏi: Trời sinh ra Netzer, sao còn sinh ra Hoeness?
Việc giao ghế giám đốc kinh doanh cho cựu danh thủ Guenter Netzer là cú đột phá ngoạn mục, dẫn Hamburg đến những thành công lịch sử trong thập niên 1980. Họ đã có thể lật đổ Bayern Munich trong làng bóng Đức. Nhưng không, bởi khi Netzer vững tay lèo lái Hamburg thì ở chân trời Bayern, đã thấp thoáng bóng dáng của giám đốc trẻ Uli Hoeness.
ĐẠI SỰ CỦA NETZER
Gunter Netzer là một huyền thoại của bóng đá Đức. Ở nơi mà các tượng đài như Franz Beckenbauer hoặc Gerd Mueller được tôn vinh như những cỗ máy chơi bóng hoàn hảo, thì Netzer lại là hiện thân của loại hình bóng đá kỹ thuật, là cây chuyền bóng tuyệt vời nhất trong lịch sử bóng đá Đức.
Nhưng, ở vào khoảng giữa của độ tuổi “băm” thì chẳng còn danh thủ nào trụ được ở đỉnh cao nữa. Quay lưng với những ngày tháng hào hùng trong màu áo Moenchengladbach và Real Madrid, Netzer đá nốt mùa bóng cuối cùng ở Grasshopper, rồi liên hệ với CLB Hamburg để tìm việc làm sau khi treo giày.
Vốn thuộc mẫu cầu thủ chơi bóng bằng tài năng thiên bẩm nhiều hơn bài bản chiến thuật, Netzer chán ngấy cái việc đèn sách, nghe các ông lão đầu hói, thắt ca vát giảng giải về lý thuyết bóng đá. Ông không đi học làm HLV là vì thế. Khi đến Hamburg, Netzer sẵn sàng chấp nhận bất cứ công việc đơn giản nào.
Bán vé, phát chương trình thi đấu hoặc tham gia vào cuốn tạp chí nội bộ của Hamburg chẳng hạn, Netzer sẵn sàng đảm đương. Nhưng giới lãnh đạo Hamburg lại đánh giá Netzer cao hơn những gì ông muốn.
Năm 1978, cựu cầu thủ Gunter Netzer được nhận vào phụ việc ở tờ tạp chí Hamburg SV với điều kiện ông phải kiêm nhiệm chức… giám đốc kinh doanh. Thời ấy, công việc của giám đốc kinh doanh ở một CLB chuyên nghiệp tương tự như giám đốc bóng đá hoặc tổng giám đốc bây giờ.
Kết quả? Trong 8 năm điều hành, Netzer đem về cho Hamburg giai đoạn rực rỡ nhất trong toàn bộ lịch sử CLB này. Ngay khi giữ ghế, Netzer sa thải HLV Arkoc Ozcan và bán sạch các trụ cột trên hàng công. Thay vào đó là các cầu thủ chơi bóng ở giải hạng Nhì mà Netzer quả quyết là có tài. Horst Hrubesh là một ví dụ.
Ông định mời HLV Ernst Happel, nhưng vì một vài nguyên nhân khách quan nên phải hài lòng với HLV Branko Zebec. Happel cũng sẽ gia nhập Hamburg vài năm sau đó và trở thành HLV vĩ đại nhất trong lịch sử Hamburg (trên thực tế, ông cũng được xem là một trong những HLV thành công nhất trong lịch sử bóng đá đỉnh cao, là HLV đầu tiên đoạt Cúp C1/Champions League ở 2 CLB khác nhau).
Dưới thời Netzer, Hamburg vô địch Bundesliga 3 lần và đoạt cúp C1 châu Âu bằng cách đánh bại Juventus của Michel Platini, Zbigniew Boniek cùng hàng loạt nhà vô địch World Cup 1982 của Italia trong đội hình.
MỐI DUYÊN GIỮA NETZER VÀ HOENESS
Nhìn vào sự vươn lên mạnh mẽ của Hamburg, người ta cứ ngỡ họ sẽ thay thế Bayern Munich thống trị Bundesliga, hoặc ít ra cũng cùng Bayern “chia đôi thiên hạ” như Moenchengladbach từng làm (với Netzer trong đội hình). Nhưng không, lý do vì một câu chuyện tình cờ.
Netzer định ký hợp đồng với Uli Hoeness trước mùa bóng 1978/79, khi cầu thủ này không còn chỗ đứng trong đội hình Bayern. Vì một nguyên nhân dễ hiểu, Hoeness né tránh việc kiểm tra sức khỏe. Hợp đồng bị hủy vào giờ chót.
Hoeness đành ở lại Bayern và phải giải nghệ sau đó vài tháng vì chấn thương. Năm 1979, làng bóng Đức… chưng hửng khi chủ tịch Wilhelm Neudecker của Bayern tuyên bố Uli Hoeness, ở tuổi 27, là tân giám đốc kinh doanh của đội. Phần còn lại là cả một lịch sử.
Trong cương vị giám đốc kinh doanh, cầu thủ đầu tiên mà Uli Hoeness mua về cho Bayern chính là… em ruột của mình, một Dieter Hoeness chẳng ai biết đến. Giá chuyển nhượng chưa tới 100.000 USD. Dieter Hoeness (kém Uli 1 tuổi) trước đó chơi bóng nghiệp dư, rồi gia nhập Stuttgart và thi đấu nhiều năm ở giải hạng Nhì.
Trước tuổi 24, ông chưa biết Bundesliga là như thế nào! Nhưng Dieter Hoeness xóa tan những lời dị nghị bằng 64 bàn thắng trong 4 mùa đầu tiên khoác áo Bayern. Giống hệt ông anh, Dieter Hoeness chẳng có chỗ nào đáng khen xét trên phương diện kỹ thuật.
Nhưng người ta phải nhớ đến Dieter Hoeness bởi hiệu quả, như việc ghi liền 5 bàn chỉ trong 20 phút ở một trận đấu hồi năm 1984, hoặc bằng tinh thần thi đấu đầy quả cảm ở trận chung kết cúp quốc gia năm 1982. Bayern bị Nuernberg dẫn trước 2 bàn. Dieter Hoeness chấn thương, máu chảy ròng ròng. Ông phải rời sân?
Uli Hoeness quả quyết với BHL: “Cậu ta vẫn thi đấu tốt”. Sau khi băng bó, Dieter Hoeness kiến tạo 2 bàn và tự ghi 1 bàn giúp Bayern thắng ngược 4-2, tất cả đều là những pha chơi bóng bằng đầu – cái đầu vẫn đang rướm máu làm ướt đẫm chiếc băng quấn!
MUA RẺ MÀ VẪN THÀNH CÔNG
Sự vươn lên của Dieter Hoeness chỉ là một trong rất nhiều trường hợp nói lên hiệu quả kinh doanh của Uli Hoeness. Bạn biết gì về những Manfred Mueller, Hans Weiner, Wolfgang Kraus, Guenter Guettler, Kurt Niedermeyer? Ngay cả NHM bóng đá ở Đức cũng không dễ nhớ những cái tên ấy.
Đấy là các cầu thủ rẻ tiền mà Uli Hoeness mua về cho Bayern, và họ đã thi đấu trong trận chung kết Cúp C1 năm 1982. Thành danh hơn họ là cỡ Klaus Augenthaler, Wolfgang Dremmler, Bernd Duernberger, Hans Pfluegler… Tài nghệ của họ còn thua xa Karl-Heinz Rummenigge, nói gì đến việc sánh với Franz Beckenbauer hoặc Paul Breitner. Và tất nhiên, đấy đều là những cú chuyển nhượng rẻ tiền, cực kỳ thành công về mặt kinh doanh.
Trước khi Uli Hoeness giữ ghế giám đốc kinh doanh ở Bayern Munich, bố của Franz Beckenbauer từng nói: “Các cầu thủ bóng đá không đủ khôn ngoan để biết cách dành dụm tiền”. Các thành viên Bayern do vậy đều “tỏ thái độ” khi thấy việc kinh doanh của đội bóng bị trao cho một cầu thủ như Uli Hoeness. Không ghét thì thôi, chứ chẳng ai ủng hộ. Loại ngôi sao, như Rummenigge, còn sợ Hoeness làm hỏng nồi cơm chung.
Không phải nhắc lại thành tích trên sân của Bayern Munich từ thập niên 1980 đến nay. Chỉ xin lưu ý một điều: Bayern ngày càng thành công và củng cố tư thế độc tôn trong làng bóng Đức, chứ không bị Hamburg cạnh tranh như những tín hiệu ban đầu.
Và kể từ khi Guenter Netzer rời ghế giám đốc kinh doanh thì Hamburg lụn bại hẳn, chìm vào quên lãng đến tận bây giờ. Mặt khác, thành công về mặt tài chính của Bayern còn huy hoàng hơn thành công trên sân. Phương châm của Hoeness: “Chi tiền để có danh hiệu, và danh hiệu sẽ tạo ra tiền. Người thành công là người chi tiền ít hơn nhưng lại có nhiều danh hiệu hơn”.
Thoạt nghe thì quá đơn giản, nhưng làm sao thực hiện được phương châm ấy? Ở Bundesliga, bản hợp đồng chuyển nhượng đầu tiên đạt đến cột mốc 1 triệu mark (khoảng nửa triệu USD) là của Cologne. Hamburg là đội đầu tiên vượt qua cột mốc 2 triệu mark. Eintracht là đội đầu tiên chi 3 triệu mark để mua một cầu thủ.
Ngay cả sau này cũng vậy. Dortmund xô ngã cột mốc 10 triệu mark, Leverkusen là đội đầu tiên chi 15 triệu mark (mua Lucio vào năm 2000). Tóm lại, Uli Hoeness không bao giờ nổi tiếng về việc chi tiền mua sắm ngôi sao. Ông tằn tiện với cả chính mình. Ông giúp Bayern vượt qua những khó khăn ban đầu về mặt tài chính. Và ông xây dựng nên cả một đế chế Bayern trong 30 năm điều hành, trước khi tiến lên ghế chủ tịch CLB thể thao Bayern Munich.
(Còn tiếp)