Trong làng bóng Đức, Uli Hoeness là một nhân vật có nhiều câu nói gây tranh cãi. Một trong số đó là câu nói làm chính các ngôi sao Bayern điên tiết.
Hoeness bình luận sau một trận thua của Bayern: “Các ngôi sao bây giờ hình như không hiểu rằng chơi bóng là một công việc gian khổ. Họ phải tập cật lực và phải hy sinh nhiều thú vui. Tôi không hiểu nổi, vì sao họ lại có thể thưởng thức tôm càng sau một trận thua?”.
TẰN TIỆN ĐÃ ĂN VÀO TRONG MÁU
Không phải ai cũng tán đồng cái chủ nghĩa khắc khổ của Hoeness. Thủ môn đầy cá tính Oliver Kahn lập tức đáp trả ông TGĐ: “Nếu như chúng tôi nhịn ăn tôm càng thì sẽ bảo đảm chiến thắng ư? Thật vớ vẩn”. Uli Hoeness chính là như vậy. Ông luôn tằn tiện, khắc khổ, chặt chẽ. Nhưng tất cả đều vì Bayern.
Và dù Oliver Kahn sửng cồ với sự chỉ trích kỳ lạ của Hoeness, anh cũng phải thừa nhận rằng gần như toàn bộ công lao để có một Bayern hùng mạnh như hiện nay thuộc về Uli Hoeness.
Năm 1979, khi Hoeness treo giày và tiếp quản ghế giám đốc kinh doanh, Bayern chỉ lãi 220.000 DM (hơn 100.000 USD). Nguy cơ phá sản được gióng lên trong đại hội thường niên của CLB. Thực tế là Bayern hoàn toàn không có số má gì trên lĩnh vực tài chính trong thời điểm ấy. Họ kinh doanh yếu ớt và quản lý vụng về.
Cả chủ tịch Wilhelm Neudecker lẫn người tiền nhiệm của Hoeness là Robert Schwan đều bị phạt tiền sau một phiên tòa xét những sai phạm về tài chính của Bayern. Vốn đã đối diện nguy cơ phá sản, Bayern còn bị phạt hàng triệu DM vì trốn thuế.
Năm 1986, giám đốc kinh doanh Guenter Netzer chia tay Hamburg, và kỷ nguyên hoành tráng nhất trong lịch sử CLB này cũng khép lại ở thời điểm ấy. Vì sao Netzer ra đi? Chính ông phát biểu: “Tôi mù tịt về tài chính, không thể làm mãi công việc này, khi mà bóng đá hiện đại thay đổi từng ngày”.
Netzer nói rất thật lòng. Sự am hiểu bóng đá giúp ông luôn thành công trong việc đánh giá năng lực của các cầu thủ cũng như HLV để đưa về Hamburg. Nhưng cặp mắt chuyên môn tinh tường chỉ đủ giúp Netzer làm được một nửa công việc của giám đốc kinh doanh.
Đã vậy, còn phải xét đến môi trường riêng của bóng đá Đức, nơi mọi CLB đều thuộc sở hữu của cộng đồng. Bundesliga không có các ông chủ sẵn sàng vung ra tiền tỷ để nuôi đội bóng. Nhắc lại như thế để thấy rõ hơn cái xuất phát điểm đầy khó khăn của Uli Hoeness trong việc quản lý Bayern. Ông và Netzer chuyển sang lãnh vực quản lý gần như cùng lúc, trong cùng một môi trường. Nhưng trong khi Netzer bỏ cuộc thì Hoeness ngày càng thành công rực rỡ.
BIẾN BAYERN THÀNH QUYỀN LỰC TUYỆT ĐỐI
Bây giờ, Bayern Munich thuộc top các CLB giàu nhất trên thế giới. Họ cùng giành được vô số danh hiệu và thống trị Bundesliga. Ngay cả các CLB được xem là “Vua một cõi” ở giải VĐQG như Real Madrid, Barca, Celtic… đều không có được tỷ lệ vô địch cao như Bayern.
Phần lớn số lần vô địch Bundesliga của Bayern diễn ra dưới sự quản lý của Uli Hoeness, qua các vai trò giám đốc kinh doanh, tổng giám đốc và chủ tịch.
Bản thân Hoeness đã có sẵn máu kinh doanh (Hoeness là con trai một ông hàng thịt ở Ulm) và khi chuyển từ sân cỏ sang lĩnh vực này, ông luôn thành công vang dội. Ngoài bóng đá, Hoeness còn sở hữu một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh xúc xích rất nổi tiếng.
Trên thực tế, không chỉ Uli mà cả em ông là Dieter Hoeness cũng đã thành công trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý sau khi treo giày. Khi Dieter Hoeness rút khỏi ghế tổng giám đốc Hertha Berlin, CLB ấy lập tức rớt hạng vì hàng loạt sai lầm trong chiến lược chuyển nhượng.
Cũng có thuận lợi khách quan khiến Uli Hoeness ngày càng thành công trong việc điều hành Bayern. Đó là sự bùng nổ của ngành truyền hình bóng đá trong những năm 1980-1990. Vào năm 1988, BTC Bundesliga bán được hợp đồng bản quyền truyền hình với giá 40 triệu DM, gấp đôi so với bản hợp đồng cũ.
Năm 1991, BQTH Bundesliga lại tăng gấp đôi lần nữa, lên 80 triệu DM. Cứ thế cho đến khi tập đoàn Kirch trả 750 triệu DM/năm. Người ta choáng ngợp trước nguồn thu từ BQTH trong thời kỳ mới. Uli Hoeness thì không choáng ngợp.
Ông tận dụng ưu thế truyền hình để mở rộng thị trường cho Bayern đến tận Thái Lan, Ấn Độ. Ông thiết lập những mối quan hệ bền vững với Adidas, Audi, Telekom, Lufthansa, Imtech, Coca-Cola… Hiện thời, Bayern là CLB có giá quảng cáo trên áo đắt thứ nhì trên thế giới, chỉ thua một chút so với Barcelona.
THÀNH CÔNG ĐẾN MỨC AI CŨNG GHÉT
Hãy trở lại với đề tài chuyên môn. Trong các thập niên 1980-1990, sức mạnh của đồng Lira đã kéo gần như mọi ngôi sao của bóng đá Đức sang Calcio. Thomas Berthold, Andreas Brehme, Hans-Peter Briegel, Thomas Doll, Stefan Effenberg, Thomas Haessler, Juergen Klinsmann, Juergen Kohler, Lothar Matthaeus, Andreas Moeller, Stefan Reuter, Karl-Heinz Riedl, Karl-Heinz Rummenigge, Matthias Sammer, Rudi Voeller lần lượt chuyển sang Serie A chỉ trong 8 năm (1984-1992).
Uli Hoeness không bao giờ chủ trương chi đậm để giữ lại ngôi sao. Chiến lược của ông trong giai đoạn ấy: mua lại các cầu thủ rẻ tiền đã chứng tỏ được năng lực ở các đội bóng nhỏ hơn. Chỉ trong 3 năm, Bayern làm Nuernberg cạn kiệt tài năng bằng cách chiêu mộ Hans Dorfner, Stefan Reuter, Roland Grahammer, Manfred Schwabl.
Sau Nuernberg, Bayern lại chuyển hướng sang Karlsruhe, mua sạch Michael Sternkopf, Oliver Kreuzer, Mehmet Scholl, Oliver Kahl, Michael Tarnat, Thorsten Fink. Cứ thế, Bayern bán ngôi sao cho các đội nhà giàu nhưng vẫn thành công khi lại tuyển được ngôi sao với giá rẻ hơn. Họ ngày càng mạnh trong khi đối thủ ngày càng suy yếu.
Những người trung lập cảm thấy Uli Hoeness “dễ ghét”, còn những người trong cuộc thì xem Hoeness là “kẻ thù” vì những điều như vậy. Mặc kệ, cho dù mang tiếng “hút máu” các đội bóng khác đi nữa, Hoeness vẫn vui lòng khi ông làm được những điều có lợi cho Bayern. Vả lại, Hoeness chống chế: “Tôi chỉ chia lại những đồng Lira cho các CLB khác, để tất cả cùng nhau tồn tại”.
Thật ra, Hoeness chỉ thật sự tằn tiền trong những năm đầu, khi Bayern gặp nhiều khó khăn về tài chính. Cũng vậy, chiến lược mua rẻ bán đắt của ông trong giai đoạn 1980-1990 là để đội bóng vừa tồn tại trong bối cảnh thua thiệt so với các đội nhà giàu ở Calcio, vừa giữ vững địa vị số 1 trong làng bóng Đức.
Hoeness bủn xỉn, keo kiệt, nhưng không phải là nô lệ của đồng tiền. Những năm gần đây, luôn có tình trạng Bayern lập tức chi đậm để tăng cường lực lượng sau mỗi mùa bóng mà họ mất ngôi vô địch Bundesliga.
(Còn tiếp)