Luật đá phạt đền, tồn tại 134 năm kể từ khi ra đời vào năm 1891, đang đứng trước nguy cơ thay đổi lớn. Hội đồng Liên đoàn bóng đá quốc tế (IFAB), cơ quan quyền lực nhất trong việc ban hành luật bóng đá, đang xem xét một đề xuất mang tính cách mạng: loại bỏ hoàn toàn quyền đá bồi sau quả phạt đền.
Theo luật hiện hành, cầu thủ tấn công được phép đá bồi nếu bóng bật ra từ thủ môn hoặc khung thành. Tuy nhiên, đề xuất mới sẽ chấm dứt cơ hội thứ hai này.
Mọi thay đổi luật đều cần được IFAB thông qua. Dù vậy, FIFA đang tích cực vận động hành lang, thúc đẩy sự thay đổi này.
Một trong những lý do chính cho đề xuất này là để giảm bớt lợi thế cho đội tấn công. Các chuyên gia cho rằng, việc cho phép đá bồi tạo ra một sự bất công, khi đội tấn công có nhiều cơ hội ghi bàn hơn từ một tình huống cố định.
Một lập luận khác ủng hộ luật mới là nó sẽ loại bỏ tranh cãi về việc cầu thủ xâm nhập vòng cấm trước khi thực hiện cú đá phạt đền. Về cơ bản, luật mới sẽ biến các quả phạt đền thành một cú sút duy nhất, tương tự như loạt đá luân lưu.
Vậy luật mới sẽ hoạt động như thế nào?
Theo đề xuất của FIFA, cầu thủ chỉ có một cơ hội duy nhất trên chấm phạt đền. Nếu ghi bàn, bóng sẽ được đưa về giữa sân để giao bóng. Nếu không, đội bị thổi phạt đền sẽ được hưởng quyền giao bóng, bất kể thủ môn có cản phá thành công hay không.
Sự thay đổi này đang được thảo luận ở cấp cao nhất, với mục tiêu hoàn thiện luật chơi trước thềm VCK FIFA World Cup 2026. Mọi quyết định cần được đưa ra trước cuối tháng 2/2026 để có hiệu lực tại giải đấu diễn ra vào mùa hè năm đó.
Ngoài ra, FIFA cũng đang xem xét mở rộng phạm vi can thiệp của VAR, cho phép tổ trọng tài video can thiệp vào các tình huống thẻ vàng thứ hai hoặc phạt góc nếu trọng tài trên sân mắc sai sót nghiêm trọng.
Những tin cũ hơn