Ai cũng biết: nhà độc tài Franco cấm đội tuyển Tây Ban Nha đến Liên Xô đá trận tứ kết trong kỳ EURO đầu tiên. Dĩ nhiên, Tây Ban Nha bị loại và Liên Xô sau đó thẳng tiến đến chức vô địch. Vì sao Franco lại làm như thế, khi Tây Ban Nha trên lý thuyết là một đội cực mạnh?
Kết nối Franco với Real Madrid, Barcelona, đội tuyển Tây Ban Nha, nói chung là với bóng đá, là điều cực kỳ phức tạp. Không thể kết luận một cách ngây thơ rằng Franco yêu Real hay ghét Barca. Nói như cây bút bóng đá nổi tiếng Santiago Segurola thì Franco “cực kỳ tẻ nhạt”. Nhà báo này khẳng định: “Franco thích ký vào các bản án tử hình hơn là chơi hoặc xem bóng đá”.
Anh, Italia, Đức đều quay lưng với kỳ EURO đầu tiên vào năm 1960. Giải ấy cũng không hề có Thụy Điển – đương kim á quân World Cup, tức trên lý thuyết là đội số 1 châu Âu trong thời kỳ ấy (vì đội vô địch World Cup 1958 là Brazil, một đội Nam Mỹ). Trong cái thời kỳ mà mối quan hệ đông – tây ở lục địa già còn rất lạnh lùng, Franco hẳn phải đặc biệt lưu ý một điều, thuộc cái lĩnh vực mà ông ta hình như không rành rẽ cho lắm (bóng đá): khối đông Âu rất hào hứng với kỳ EURO đầu tiên. Vì sao lại như thế?
Tất nhiên, Franco không cần phải để ai nhắc, rằng Tây Ban Nha khi ấy có Alfredo Di Stefano, Luis Suarez, Laszlo Kubala, Francisco Gento… Có được những tên tuổi ấy thì sao? Chắc chắn Tây Ban Nha sẽ vô địch EURO 1960? Bóng đá là môn chơi tuyệt vời đến nỗi người không biết chữ vẫn có thể hiểu được nó, cảm nhận nó, thấy rõ bản chất của nó. Nhưng bóng đá cũng có thể là thứ cuối cùng mà một nhà độc tài như Franco có thể hiểu được. May ra, Franco khi ấy hiểu rõ, qua những báo cáo mà chỉ cần sai một chữ là đủ lãnh án tử hình: nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev rất xem trọng đội tuyển Liên Xô.
Hơn 100.000 khán giả đến xem và cổ vũ tưng bừng, khi Liên Xô thắng Hungary 3-1 tại SVĐ Lenin ở vòng loại. Các tuyển thủ Liên Xô được chăm sóc, nghỉ dưỡng ở nơi đặc biệt dành riêng cho các nguyên thủ quốc gia khi đến thăm và làm việc tại Liên Xô. Đấy là một đội rất mạnh. Quan trọng hơn, khi đội tuyển bóng đá Liên Xô chiến thắng thì điều ấy cũng có ý nghĩa to lớn đối với Khrushchev, đâu có kém gì “đại sứ Real Madrid” đối với chính quyền Franco.
Chủ nghĩa cộng sản dĩ nhiên là điều mà Franco không thích rồi. Ông ta cũng không thể quên, rằng Liên Xô đã hỗ trợ phe cộng hòa cánh tả trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Và khi biết thêm thủ tục bắt buộc của các trận đấu thuộc EURO 1960 bao gồm việc cử quốc thiều của cả hai đội, quốc kỳ của cả hai đội đều phải tung bay, thì đấy đơn giản là điều Franco không thể chấp nhận. Phải làm sao để ngăn chặn tinh thần cộng sản lan truyền trong đám đông khán giả, khi Liên Xô thi đấu tại Tây Ban Nha? Quá đơn giản: không cho trận đấu diễn ra.
Di Stefano và các ngôi sao Tây Ban Nha đành cụt hứng khi nhận thông báo, ở thời điểm 2 ngày trước chuyến làm khách tại Liên Xô mà họ đang hào hứng chuẩn bị: chẳng phải đi đâu cả. Cũng sẽ không hề có trận lượt về tại Tây Ban Nha. Lý do ngắn gọn: “Đây là mệnh lệnh từ phía trên”. Tất cả đều là chính trị, dĩ nhiên rồi. Nhưng nguyên nhân lớn nhất chẳng phải là Franco ghét Liên Xô, mà là Franco lo ngại những “hậu quả lớn lao”, trong trường hợp Liên Xô thắng Tây Ban Nha.
Bốn năm sau đó, câu chuyện khác hẳn. Franco buộc phải “cho phép” đội tuyển Tây Ban Nha đá với Liên Xô vì Tây Ban Nha là nước chủ nhà của giải đấu này. Thắng 2-1 trong trận chung kết (may cho Franco), Tây Ban Nha lần đầu tiên đăng quang ở một giải đấu lớn. Đấy thật ra là một đội bóng, một chiến tích nhanh chóng chìm vào quên lãng. Nhà báo Juan Castro của tờ Marca khẳng định: “Cứ hỏi trong một quán bar bất kỳ ở Tây Ban Nha, về HLV đã đưa Tây Ban Nha lên ngôi vô địch EURO 1964, sẽ chẳng ai trả lời được”. Người ta đều biết Luis Suarez. Nhưng ngoài ra, sẽ không biết đến cái tên nào khác. Tây Ban Nha tại EURO 1964 thật sự là một đội bóng không có ngôi sao. Nhìn lại lịch sử các giải đấu lớn, EURO 1964 chính là giải đấu tẻ nhạt nhất, hầu như chẳng đọng lại điều gì để nhớ.
3. Từ sau năm 1950 đến trước năm 1978, Tây Ban Nha chỉ góp mặt ở 3 trong 11 giải đấu lớn liên tiếp (5 kỳ EURO, 6 kỳ World Cup). Họ vô địch EURO 1964 và dừng bước ngay sau vòng bảng tại World Cup 1962, 1966. Người Tây Ban Nha chẳng mấy quan tâm Ít ra là cho đến trước EURO 2008, giới nghiên cứu cho rằng bóng đá Tây Ban Nha chủ yếu là nền bóng đá cấp CLB. Tại đấy, người ta quan tâm đến đấu trường CLB nhiều hơn ĐTQG. Ngoài cặp El Clasico nổi tiếng giữa Real Madrid và Barcelona, người Tây Ban Nha tùy theo vùng miền sẽ xem trọng các trận derby địa phương như Betis – Sevilla, Espanyol – Barcelona, Real – Atletico Madrid… Việc Franco rút TBN ra khỏi EURO 1960 không được quan tâm cho lắm ngay tại nước này. Franco vẫn xuất hiện trong bóng đá Tây Ban Nha
45 năm đã trôi qua kể từ cái chết của Tướng Franco, nhưng nhà độc tài này vẫn hiện diện trong bóng đá Tây Ban Nha theo một cách đặc biệt. Một đội bóng ở Isla Mayor (Seville) đã đổi tên thành Villafranco CF để tôn vinh người từng lãnh đạo Tây Ban Nha từ 1939-1975. Đội bóng này hiện tại đang chơi ở giải khu vực của xứ Andalucia, tương đương với hạng 6 trong hệ thống bóng đá xứ sở bò tót. |
XEM THÊM
Đồng đội của Ronaldo âu yếm bạn gái trong lúc tự cách ly vì dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 khiến Nainggolan lo lắng cho vợ bị ung thư
Nữ nhà báo sexy nhất Italia hoảng sợ vì đại dịch Covid-19